Cơ hội cho HSSV ngành Y tế sang Nhật Bản làm việc

Thời gian qua, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng liên tục mời đối tác là các trường đại học, cao đẳng của Nhật Bản sang khảo sát và tư vấn trực tiếp cho sinh viên nhà trường về cơ hội xuất khẩu lao động sang thị trường tiềm năng này. Tại các buổi tư vấn, đa số ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn y tế, trường đại học Nhật Bản đều cho rằng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành điều dưỡng, y tá, hộ lý làm việc tại Nhật hiện rất cao.

Theo ông Hasegawa Hiroshi – Trưởng ban điều hành Tập đoàn Sano, Nhật Bản đang thiếu khoảng 40.000 điều dưỡng viên. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là hiện dân số Nhật Bản đang ngày càng “già hóa”. Theo số liệu thống kê của các tổ chức y tế Nhật, hiện độ tuổi từ 65 trở lên tại Nhật chiếm tới hơn 40% dân số; tỷ lệ dân số trẻ (0-14 tuổi) chỉ chiếm 13% nên không chỉ lao động trong ngành y tế mà hầu hết các ngành nghề khác.

Hiện chính phủ Nhật Bản đã có những điều chỉnh chính sách, nới lỏng các điều khoản để tiếp nhận lao động ngành y tế từ nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Do đó, cơ hội dành cho xuất khẩu lao động Nhật Bản của sinh viên điều dưỡng, hộ lý, y tá… ở nước ta đang rất rộng mở.

Bên cạnh đó, theo ông Hiroshi Nakagawa – Chủ tịch Tập đoàn y tế Nakagawa, ngành Y tế luôn là lĩnh vực có nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên sau khi làm việc tại Nhật, trở về cống hiến cho đất nước. Hầu hết sinh viên sau khi tới Nhật Bản đều phải trải qua một khóa đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng làm việc trong các cơ sở y tế hiện đại, cũng như tiếp thu văn hóa ứng xử phù hợp để thích nghi với môi trường làm việc mới.

Hàng năm tại Hải Phòng có khoảng 400 sinh viên ngành điều dưỡng của 2 trường: CĐ Y tế Hải Phòng và ĐH Y dược Hải Phòng tốt nghiệp, chưa kể lượng sinh viên điều dưỡng, y tá, hộ lý… từ các địa phương khác về Hải Phòng làm việc. PGS.TS Vũ Đức Long, Hiệu trưởng Trường cao đẳng y tế Hải Phòng cho rằng, nếu không có những chính sách hỗ trợ “dài hơi”, đội ngũ nhân lực này sẽ khó có cơ hội tìm kiếm được việc làm tại các cơ sở y tế của thành phố, gây lãng phí lớn cho xã hội và mỗi gia đình, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của chính các em.

Chính vì vậy, trong các buổi làm việc với đối tác, nhà trường luôn nhấn mạnh cơ hội hợp tác về việc tiếp nhận sinh viên điều dưỡng sang thị trường nước ngoài làm việc.

Cũng theo PGS.TS Vũ Đức Long, thời gian tới nhà trường sẽ có định hướng cụ thể về hướng nghiệp, trước mắt sẽ đưa sinh viên điều dưỡng sang Nhật Bản học tập và làm việc. Theo đó, sau khi hoàn tất thời gian học tại Việt Nam, sinh viên phải tiếp tục học tiếng Nhật để đạt trình độ N2. Khi sang Nhật Bản, các em tiếp tục học bổ sung, hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cần thiết để làm việc trong môi trường y tế hiện đại của Nhật Bản.

Cùng với Nhật Bản, hiện Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng đã gặp gỡ đại diện các cơ sở y tế của Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Czech… tiến tới sẽ xúc tiến, mở rộng cơ hội xuất khẩu nhân lực điều dưỡng, y tá… sang những nước này.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí ban đầu cho sinh viên để hoàn thiện hồ sơ du học và xuất khẩu lao động. Do đó, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đàm phán với đối tác để có những chính sách hỗ trợ kinh phí, giảm bớt khó khăn cho những sinh viên nghèo. Dự kiến trong năm 2017, các chương trình sẽ bắt đầu triển khai tại trường, mở ra cơ hội việc làm mới cho sinh viên ngành y tế sau khi tốt nghiệp.

Nguồn: (BTV Vân Anh – Báo Hải Phòng 02/2017)